Trào lưu “mới” mà lại “cũ” gọi tên xu hướng hoài niệm. Đúng như tên gọi, “cũ” ở chỗ chất liệu được sử dụng để bắt trend là những thú vui dân dã, văn hóa dân gian, những đồ vật từ “thời ông bà anh”... “Mới” ở điểm, Gen Z - thế hệ yêu thích chất liệu xưa cũ hầu hết chưa từng được trải nghiệm chúng trong sinh hoạt đời thường, chưa từng gắn bó với văn hóa dân gian trong ký ức tuổi thơ. Vậy mà, dưới góc nhìn đầy hứng thú và mới mẻ, Gen Z đang tạo ra một phiên bản văn hóa trẻ trung, độc đáo, phù hợp với thời đại. Lý do nào khiến các bạn trẻ say mê hoài niệm và sáng tạo văn hóa dân gian đến vậy? Và “thế hệ ông bà” nói gì về văn hóa dân gian đương đại - sản phẩm của người trẻ?

Như đã đề cập ở phần trước, văn hóa có tính chu kỳ và biến chuyển theo tình hình kinh tế - xã hội mỗi quốc gia. Việt Nam đang trong giai đoạn “tái sinh” văn hóa nhờ sự ổn định về cuộc sống và phát sinh nhu cầu tinh thần. Và thế hệ Z - người tiếp thêm sức sống mới cho chất liệu dân gian - cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ bối cảnh thời đại, từ nếp sống bên ngoài đến nội tâm bên trong, dẫn đến cách làm văn hóa cũng khác so với thế hệ trước.

KHOẢNG TRỐNG KẾT NỐI VÀ SỰ LEN LỎI HOÀI NIỆM

Lật lại tiểu sử Gen Z, họ là những người có năm sinh trong khoảng từ năm 1997 đến 2012. Đa số Gen Z là con của Gen X (sinh từ năm 1965 đến 1979), tiếp theo sau thế hệ anh chị Gen Y (Millennials) và trước thế hệ đàn em Gen Alpha (α). Cộng đồng Gen Z Việt Nam sinh ra và lớn lên trong thời kỳ các thiết bị điện tử bùng nổ, đặc biệt là Internet. Không giống như thế hệ Y trưởng thành trong quá trình Internet hình thành và phát triển, có thể nói, Gen Z là thế hệ đầu tiên sinh ra sau khi Internet thực sự lan rộng trên phạm vi toàn cầu.

Thế giới vô tuyến mở ra cho Gen Z một kho tàng văn hóa phẩm đa quốc gia. Tuổi thơ của mỗi người chắc hẳn đều có sự xuất hiện của những bộ phim kiếm hiệp Trung Quốc, những tập truyện kinh dị Nhật Bản hay các mạng xã hội đến nay chỉ còn nghe tên như Yahoo!, Zing Me,...

Ảnh: Những mạng xã hội từng phổ biến tại Việt Nam.

Từ hào hứng, say mê đến chìm đắm vào thế giới công nghệ, Gen Z chuyển toàn bộ tương tác xã hội lên môi trường số. Ở đó, các bạn trẻ tìm thấy nguồn cảm hứng và những hội nhóm cùng sở thích. Tuy nhiên, mặt trái là sự phụ thuộc vào thiết bị. Vô hình chung, mỗi chiếc điện thoại, máy tính trở thành “nhà tù” giam giữ người trẻ, là “con đường tắt duy nhất” giúp dễ dàng kết nối với cộng đồng. Hậu quả là các kỹ năng giao tiếp thực tế bị mai một, sinh ra tâm lý e dè, ngày càng “lười biếng” giao lưu ngoài đời thật. Sự thiếu hơi ấm mỗi khi tắt màn hình khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy cô đơn, mất kết nối trong chính ngôi nhà, giữa thời đại công nghệ.

Bên cạnh sự cô lập từ các thiết bị, một “ma trận” thông tin hình thành, mang theo ảnh hưởng từ các nền văn hóa ngoại lai làm lu mờ bản sắc dân tộc, bản sắc cá nhân của thanh thiếu niên Việt Nam. Có những lúc, nhân dạng Việt Nam bị nhầm lẫn với các nước láng giềng. Có những lúc, lịch sử Việt bị lãng quên, văn hóa Việt bị đồng hóa. Gen Z lạc lối trong những câu hỏi “Mình là ai? Mình thuộc về nơi nào? Mình sẽ làm gì và tự hào về điều gì đã làm?”. Khủng hoảng căn tính thôi thúc các bạn trẻ định vị bản thân trên trường quốc tế bằng màu sắc riêng của văn hóa nước nhà. Hành trình tìm lại danh tính văn hóa cứ thế bắt đầu.

Cuối cùng, cùng với áp lực cuộc sống và cảm giác bất an về tương lai nhiều biến động đã tác động đến nhu cầu tìm về quá khứ một cách rất tự nhiên của Gen Z, còn gọi là “xu hướng hoài niệm”.

Số liệu từ Báo cáo “Generation Z in 2023” được thực hiện bởi GWI (Global Web Index) cho thấy Gen Z là thế hệ có xu hướng hoài niệm nhiều hơn các thế hệ khác. Đặc biệt, có đến 50% người tiêu dùng thuộc thế hệ này thường xuyên cảm thấy hoài niệm về các phương tiện truyền thông, chẳng hạn như phim ảnh, chương trình truyền hình, âm nhạc và các hình thức truyền thông khác mà họ đã tiếp xúc trong quá khứ. Theo sau là thế hệ Y với 47% và con số này được giảm dần ở các thế hệ lớn tuổi hơn.

Báo cáo của GWI cũng cho biết xu hướng hoài niệm này xuất phát từ thực tế người trẻ ngày nay đang đối mặt với rất nhiều khó khăn: Covid và khủng hoảng “liên hoàn” - hạn chế giao tiếp xã hội, khan hiếm và cạnh tranh việc làm, suy thoái kinh tế,... Mặc dù những vấn đề trên ảnh hưởng đến tất cả mọi người, tuy nhiên, những người tiêu dùng trẻ còn đang ở giai đoạn đầu của sự nghiệp như Gen Z có thể sẽ chịu tác động lớn hơn. Đó là lý do họ có xu hướng tìm kiếm sự an ủi và tích cực từ những giá trị trong quá khứ.

Khác với những lầm tưởng thông thường khi cho rằng Gen Z có xu hướng hoài niệm về ký ức tuổi thơ trong những năm giữa thập niên 2000, số liệu từ báo cáo cho thấy có đến 37% người được sinh ra trong khoảng thời gian 1997 - 2006 cảm thấy hoài niệm về thập niên 1990 - thời kỳ mà đa phần họ còn rất nhỏ và thậm chí còn chưa được sinh ra. Vì thế, không khó hiểu khi các xu hướng trong cộng đồng Gen Z những năm gần đây đều được lấy cảm hứng từ thập niên này, từ thời trang, phim ảnh cho đến âm nhạc.

ĐỐI MẶT VỚI KHỦNG HOẢNG NỘI TÂM

Nhìn từ khía cạnh con người, thế hệ Z được đánh giá là có tính cách độc lập, rất trân trọng không gian riêng và sự tự do. Gen Z dành nhiều thời gian để tìm hiểu bản thân, đặt ra các vấn đề về bản dạng, bản tính và thương hiệu cá nhân. Một trong những nỗi trăn trở phổ biến nhất là nghi ngờ về chính mình, tự hỏi về giá trị cũng như năng lực của bản thân và mông lung về định hướng tương lai. Trong cuộc đấu tranh nội tâm này, những sáng tạo có chứa yếu tố dân gian trở thành liều thuốc chữa lành - công cụ khám phá căn tính của Gen Z.

Khi nhớ về những nét đẹp truyền thống, văn hóa dân gian trở thành bến đỗ bình yên cho tâm hồn. Thay vì “mỗi đứa trẻ một màn hình”, tuổi thơ của ông bà, bố mẹ gắn liền với đám trẻ xóm làng, với những trò chơi dân gian: chuyền quả, ô ăn quan, rồng rắn đuổi bắt, trốn tìm,... Sự tinh nghịch, hồn nhiên, trong sáng và tình bạn đầu đời tạo nên những kỷ niệm tuyệt đẹp mà thế hệ trước còn nhắc mãi về sau. Lời kể đưa Gen Z đến thế giới tuổi thơ thuần túy, phát hiện ra nhiều điều thú vị không nằm trên Internet, mộng mơ về chính mình dưới khoảng trời yên ả. Cảm giác hoài cổ nảy nở là phản ứng của người trẻ khi đối mặt với sự phát triển nhanh, đột ngột về công nghệ mà trong lòng được gieo hạt giống văn hóa dân gian. Hoài cổ với mục đích làm chậm, từ tốn lại sự thay đổi đó; đồng thời cũng có thể là sự “trốn chạy” tạm thời, phiêu lưu vào thế giới mà ranh giới thời gian, không gian bị nhòa đi.

Văn hóa xuôi dòng thời gian, đẩy con thuyền của các thế hệ đến điểm hẹn gặp gỡ. Khi hoài cổ, con người ta có xu hướng ít đề phòng hơn, họ trở nên cởi mở, có chủ đề chung với những người không cùng trang lứa, thậm chí những người xa lạ. Kết nối với người lớn tuổi, nghe những câu chuyện từ họ, nghe cách họ chơi chữ, “lẩy Kiều”, nói ca dao, tục ngữ - có thể mới, có thể cũ - đem đến những bài học, kinh nghiệm và năng lượng bình tâm. Tuy những sự kiện, biến cố ở mỗi thời đại là riêng biệt, nhưng tinh thần để vững tâm, vượt qua biến cố, cùng những giá trị cốt lõi tốt đẹp hoàn toàn có thể được học hỏi và truyền lửa.

Văn hóa ngược dòng lịch sử, đưa thế hệ trẻ tìm lại cội nguồn nơi gốc gác ông cha. Thuộc về một nơi nào đó, một thời đại nào đó, một nhóm người cùng sở thích,... ai cũng muốn có cảm giác “thuộc về”. Việc tìm về những bộ phim, không gian kiến trúc cổ, những sản phẩm mang hơi hướm của một thời đại như một lời khẳng định âm thầm rằng: tôi/bố mẹ ông bà tôi từng thuộc về một thời, một nơi nào đó - và quá khứ ấy đẹp đẽ ấy có thật.

Khi cảm thấy thuộc về một nơi, một thời đại nào đó trong quá khứ, vô hình chung cảm giác đó khiến Gen Z tự tin hơn về nguồn cội, và có động lực để bước tiếp trên cuộc hành trình có phần nào vô định.

TRÊN LẰN RANH SÁNG TẠO - BẢO TỒN

Đưa những hoài niệm từ sách báo, phim ảnh và tưởng tượng vào trong đời sống hiện đại là cách nhiều bạn trẻ đang làm để tiếp thêm sức sống và thể hiện tình yêu, sự hoài niệm với văn hóa dân gian. Thế nhưng, làm thế nào để Gen Z có thể vừa sáng tạo vừa giữ được bản sắc truyền thống - thỏa lòng thế hệ trước và truyền lửa cho thế hệ tiếp theo?

Nguyên tắc đầu tiên và luôn đúng khi muốn phục dựng, “cách tân” văn hóa truyền thống chính là hiểu rõ giá trị văn hóa nguyên bản. Các yếu tố xung quanh văn hóa như bối cảnh, cộng đồng, truyền thống lịch sử, tín ngưỡng phong tục... tác động đến cách văn hóa hình thành, phát triển và được yêu thích. Từ đây, có thể chắt lọc những yếu tố cốt lõi để giữ lại và phát huy, biến đổi các khía cạnh khác cho phù hợp nhu cầu mới. Hiểu biết vững vàng giúp thế hệ trẻ tránh rơi vào xu hướng "mất gốc" khi sáng tạo.

Một cách thường thấy để kế thừa và phát huy văn hóa là kết hợp những yếu tố truyền thống với phong cách hiện đại. Sự sáng tạo này không chỉ giới hạn các yếu tố trong cùng lĩnh vực mà có thể nhiều lĩnh vực với nhau như âm nhạc, thời trang, ẩm thực hay nghệ thuật. Các yếu tố truyền thống được biến tấu theo cách mới lạ, hấp dẫn thị hiếu hiện đại đến tìm hiểu hồn cốt của văn hóa gốc.

Gen Z có thể đưa ra những cải tiến sáng tạo cho các yếu tố truyền thống, nhưng cần tôn trọng các giá trị cốt lõi và không làm biến dạng hay bóp méo chúng. Năm 2019, Sử Hộ Vương là một tựa game thẻ bài thu hút được nhiều sự quan tâm từ xã hội khi đội ngũ sáng tạo liên tục vẽ ra những mục tiêu lớn lao như "khơi gợi niềm yêu thích lịch sử của giới trẻ", "truyền lửa đam mê", "thay đổi cách học sử"… Trong khi giới trẻ Việt Nam đã quen thuộc và yêu thích những thể loại game tương tự như Kantai Collection và Touken Ranbu (Đao Kiếm Loạn Vũ) thì chỉ cần làm tốt với chất liệu lịch sử nước nhà, Sử Hộ Vương hoàn toàn có quyền để mơ đến thành công rực rỡ.

Ảnh: Tạo hình của các nhân vật trong game Sử Hộ Vương.

Tuy nhiên, dự án vấp phải sự phản đối từ khán giả sau khi đội ngũ sáng tạo công bố tạo hình của hàng loạt nhân vật như Hồ Xuân Hương, Quang Trung, Lạc Long Quân… Chẳng những mang nhiều đặc điểm nhân dạng khác hoàn toàn với người Việt như màu tóc, màu mắt… hình ảnh còn bị chỉ trích không hợp thuần phong mỹ tục khi vẽ trang phục nhân vật lịch sử quá hở hang. Việc xây dựng hình tượng Quang Trung – Gia Long theo hướng tình cảm đồng giới… cũng trở thành điểm trừ thiện cảm với game. Nếu tìm hiểu lịch sử sẽ thấy mối thù không đội trời chung của hai vị là một tấn bi kịch đen tối, là chuyện không thể lôi ra để đùa cợt trong bất cứ trường hợp nào. Như vậy, dự án đi vào ngõ cụt bởi sự thiếu hiểu biết và định hướng sai lệch của đội ngũ cố vấn lịch sử và nhà sáng tạo game. Game là ảo, là điểm mới sáng tạo đáng tuyên dương của dự án, nhưng nhân vật có thật và truyền thông dự án đã chọn cái mác “phỏng dựng lịch sử” thì phải giữ được nguyên mẫu (đặc điểm, tính cách,..), phù hợp với bối cảnh thời đại để khán giả nhận diện - nhớ - hiểu và yêu. 

Gen Z có thể đổi mới cách thể hiện hoặc tái sử dụng truyền thống, nhưng cần làm điều đó một cách có trách nhiệm, trên tinh thần học hỏi. Đó cũng là thiếu sót của Sử Hộ Vương. Dù được nghe góp ý từ các chuyên gia trong chương trình “Thương vụ bạc tỷ” về việc điều chỉnh lại hướng phát triển lẫn thiết kế sao cho gần với lịch sử hơn, nhưng thái độ bảo thủ của hai bạn trẻ sáng lập game đã khiến cư dân mạng dậy sóng.

Quan điểm sáng tạo của Gen Z sẽ chỉ có ích nếu nó kể lại câu chuyện truyền thống dưới một góc nhìn mới giúp thế hệ trẻ kết nối với quá khứ mà vẫn phản ánh được tinh thần của thời hiện đại. Điều này không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn giúp các yếu tố dân gian tìm được chỗ đứng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

GEN Z THỰC HÀNH VĂN HÓA: “ÔNG BÀ” NÓI GÌ?

Trong bài viết “Kết nối chặt chẽ hơn giữa giới trẻ và các chuyên gia” trên Báo Hà Nội Mới, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng:

Ảnh: TS. Trần Hữu Sơn.

“Việc giới trẻ ngày càng quan tâm tới văn hóa dân gian là một tín hiệu đáng mừng bởi đây là lực lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển, tiếp nối và duy trì văn hóa dân gian. Chính sự hiểu biết của họ về công nghệ cộng với sự năng động, khả năng sáng tạo đã tạo ra những chất liệu mới, sức sống mới cho loại hình văn hóa này.”

Còn nhớ, năm 2018 dự án “Đương đại hóa tranh Đông Hồ” đã khơi nguồn sức sống mãnh liệt cho những giá trị văn hóa dân tộc bị lãng quên giữa dòng chảy hiện đại. Dự án có sự đồng hành của Nghệ nhân Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế - một trong hai nghệ nhân Đông Hồ duy nhất còn lại của Việt Nam và nhiều họa sĩ trẻ cuối 9X. Bộ ba tranh Đông Hồ đương đại ra đời lồng ghép hài hòa giữa các yếu tố xưa và nay.

Ảnh: Làm mới tranh Đông Hồ trong dự án "Đương đại hóa tranh Đông Hồ".

Nằm trong bộ tranh độc đáo này, tác phẩm “Bắt trọn vinh hoa” lấy cảm hứng từ tranh “Vinh hoa” với hình ảnh em bé miền Nam ôm gà trống ngậm đồng xu selfie thể hiện cho nguyện ước sinh sôi, mong rằng đứa bé sau này lớn lên sẽ thành đạt và hội tụ 5 đức tính chân quý của chú gà trống.

Bức tranh “Thả tim se duyên” tiếp tục là một bước tiến lớn giữa tư duy kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Nếu xưa kia hình ảnh “Bà Nguyệt se duyên” giữa trời xuân trong trẻo tượng trưng cho cuộc sống sung túc, tươi vui, con cái đủ đầy thì ngày nay hòa cùng làn sóng công nghệ, bà Nguyệt “mạng xã hội” cũng đang tích cực đưa các cặp đôi trẻ tới gần nhau hơn.

Hay như tác phẩm “Nhà nhà đấu vật” cũng là kết quả đương đại hóa từ bức tranh Đông Hồ kinh điển - “Đấu vật”. Bản mới thể hiện hình ảnh các bạn trẻ vạm vỡ, tráng kiện đang tham gia các hoạt động thể dục thể thao vừa hiện đại vừa truyền thống như tập gym, yoga, đấu vật, bóng đá... mang hàm nghĩa chúc cho sức khỏe tràn đầy và gửi đi thông điệp về tình yêu thể thao của giới trẻ Việt Nam.

Dự án khi công bố nhận được nhiều sự quan tâm cả đồng thuận lẫn trái chiều từ công chúng. Hỏi nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, liệu “đương đại hóa” như vậy, tranh Đông Hồ có mất chất không, ông chia sẻ trên báo Người Lao Động: “Tranh Đông Hồ có những đặc điểm không thể thay thế được. Chẳng hạn như giấy là phải từ cây dó trên rừng, màu thì phải giữ được cái hồn của nó, màu trắng từ con điệp, màu đỏ từ hòn sỏi trên núi, màu vàng từ hoa hòe, màu đen từ lá tre, màu xanh từ cây tràm… Cụ Hoàng Cầm từng nói, màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp là vì thế. Các bạn trẻ dù đổi mới nội dung cho hợp với thời đại nhưng vẫn dựa trên nền tảng chất liệu vốn có của tranh Đồng Hồ. Vì thế, không có chuyện một ngày dòng tranh này sẽ bị biến chất”.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm - con trai của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - cũng nhận xét: "Tranh Đông Hồ thể hiện ở chất liệu giấy dó, 5 màu tự nhiên và kỹ thuật làm tranh với các bản khắc gỗ. Tranh của các bạn trẻ ấy vẫn giữ đúng tất cả yếu tố này".

Ảnh: Nghệ nhân Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế.

Các nghệ nhân khẳng định: "Chúng tôi không sợ giới trẻ làm mai một hình ảnh của tranh Đông Hồ xưa. Riêng về đề tài, chúng tôi cho rằng xã hội luôn thay đổi. Vì thế, cần cập nhật xu hướng, bắt kịp thời đại thì mới thực sự có hơi thở cuộc sống trong đó… Tôi rất vui và hoan nghênh các bạn trẻ đã đưa mỹ thuật hiện đại và các hình tượng mới vào tranh Đông Hồ. Đây là sự sáng tạo cần thiết giúp tranh Đông Hồ tiếp tục phát triển".

Nhận xét về các tác phẩm dân gian đương đại, PGS.TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, thành viên Hội đồng di sản Quốc gia khẳng định trên báo Bắc Ninh: “Bây giờ có nhiều bạn trẻ rất sáng tạo, họ lấy cảm hứng từ các hình tượng, mượn các mô-típ của tranh dân gian Đông Hồ để cho ra nhiều sản phẩm mới phù hợp với công chúng hiện nay. Chính vì sự đa dạng sản phẩm như vậy mà di sản của quá khứ vẫn sống được, hồn di sản vẫn đi mãi theo dòng thời gian. Chỉ có điều sự sáng tạo cần có giới hạn, không nên sáng tạo thái quá làm hạ thấp giá trị tư tưởng nhân văn hay những giá trị nghệ thuật khác của di sản”.

Mở rộng hơn, PGS.TS Từ Thị Loan cho rằng việc sáng tạo ra các sản phẩm mới không hề đi ngược lại với sự vận động của di sản văn hóa phi vật thể.

Ảnh: PGS. TS Từ Thị Loan.

“Bởi di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có tranh dân gian Đông Hồ không phải đông cứng, bất biến mà nó phải được phát triển theo dòng chảy lịch sử, phản ánh những chủ đề mới, hợp gu thẩm mỹ của xã hội hiện nay… Đó là hướng đi tạo nên sức sống mới và đảm bảo sự trường tồn cho di sản.”

Rõ ràng, thế hệ trước rất hoan nghênh và có cái nhìn cởi mở với người trẻ làm văn hóa. Gen Z cũng có góc nhìn của họ, thông minh và rất thú vị, cách làm khác biệt nhưng tôn trọng nghệ nhân và nghệ thuật cổ truyền. Có lẽ, việc của nghệ nhân là cứ giữ và làm nghề theo cách truyền thống, đồng thời truyền lửa cho thế hệ trẻ. Còn người trẻ, hãy cho họ cơ hội thỏa sức sáng tạo, học hỏi và trau dồi. Đi nhiều mới thành đường, lớp lớp người đi trên con đường di sản rồi sẽ có những hướng đi mới để tiến xa hơn.