Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, Talkshow "Sử dụng chất liệu dân gian trong sáng tạo" diễn ra vào sáng 10/11 do Direction Agency tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đã mang đến những góc nhìn đa chiều về việc kế thừa và phát huy giá trị văn hóa dân gian trong hoạt động sáng tạo đương đại. Sự kiện thu hút đông đảo khán giả trẻ và các đơn vị báo chí truyền thông, chứng minh sự quan tâm của công chúng đối với chủ đề.
Tại Talkshow, các khách mời là những chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo đã chia sẻ hành trình ứng dụng chất liệu dân gian trong công việc của mình.
Các chuyên gia cũng trao đổi, giải đáp thắc mắc của khán giả về chủ đề như “Điều gì khiến chất liệu văn hóa dân gian được yêu thích?”, “Lý giải xu hướng sử dụng chất liệu văn hóa dân gian trong lịch sử” và “Vì sao ở thời điểm này khai thác văn hóa dân gian trở thành xu hướng trong sáng tạo?”.
Với hơn 15 năm nghiên cứu và thực hành kiến trúc thuộc các lĩnh vực thiết kế đa dạng từ nhà phố, chung cư, đến các công trình dịch vụ diện tích dưới 1000m2..., Kiến trúc sư Lại Thành Tín đã có nhiều công trình lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian nổi bật như: “Ngôi nhà nổi bật bởi kiến trúc “lai” Đông - Tây trên phố Ngọc Lâm”, “Ngôi nhà gắn liền với ký ức về người cha ở Hòa Bình”, Nhà hàng Le Gout de Gia, cải tạo biệt thự Pháp cổ 61 Văn Miếu...
Ngoài ra, anh còn sáng lập Văn phòng Thiết kế Studio 54+ và sở hữu kênh Tik Tok kts.laithanhtin với hơn 60 nghìn lượt theo dõi, thường xuyên chia sẻ về những chủ đề thiết thực liên quan đến nhà ở nói chung và phong thủy nói riêng.
Chia sẻ tại Talkshow, anh Tín cho rằng, nhà là cái nôi văn hóa của mỗi người. Nếp nhà gắn với thẩm mỹ ông cha đã in sâu vào tiềm thức, qua mái ngói, qua cột kèo, cửa nẻo... Đó là lý do để kiến trúc sư Lại Thành Tín quyết tâm thể hiện văn hóa đặc sắc của Việt Nam lên những công trình mang tính biểu tượng.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga - người đã có nhiều năm nghiên cứu văn hóa và bề dày tác phẩm phục dựng Việt phục và cũng là người khởi xướng sự kiện “Bách Hoa Khánh Hội - Bách Hoa Bộ Hành” diễu hành cổ phục trên tuyến phố di sản của Thủ đô, khi tìm hiểu về văn hóa của một cộng đồng, các nhà nghiên cứu không chỉ xem xét những tài liệu, di tích mà còn nghiên cứu về trang phục.
"Trang phục vừa phản ánh giá trị vật chất của xã hội đương thời, vừa thể hiện đời sống tinh thần, mang hơi thở của thời đại. Với Việt Nam, ngoài áo dài, chúng ta còn có áo Nhật Bình, tứ thân, ngũ thân, giao lĩnh... Những tấm áo còn “nằm trong rương”, chờ đợi hé lộ cả một thời kỳ phong kiến. Đó là kho tàng chất liệu tuyệt vời để tạo ra những sáng tạo mang tính thời đại", Quỳnh Nga chia sẻ.
Với Co-founder / Creative Director của Direction Trần Đức Minh, không chỉ có kiến trúc hay thời trang, chất liệu văn hóa còn có thể ăn sâu vào nhu cầu căn bản nhất như ăn uống. Nếu nhà ở thể hiện địa vị của gia chủ, quần áo bộc lộ phong cách cá nhân thì các thực phẩm, tặng phẩm sẽ kể câu chuyện về “gu”, về văn hóa qua thiết kế bao bì.
Với hơn 14 năm kinh nghiệm trong ngành thiết kế, anh là người đứng sau điều hành vô số dự án gây ấn tượng như: Bộ sưu tập Câu chuyện mùa Thu 2024 lấy cảm hứng văn học của Fresh Garden, sự biến ảo qua các mùa lễ tết, trung thu của thương hiệu quà tặng nghệ thuật Maison Gourmet...
"Ở Direction, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc nghiên cứu và ứng dụng các chất liệu văn hóa vào từng sản phẩm. Đến với Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024, chúng tôi xem đây là cơ hội đóng góp những sáng kiến, cộng hưởng cùng các đơn vị tổ chức lễ hội tạo nên “bữa tiệc sáng tạo” thú vị cho công chúng; đồng thời, tham gia, trau dồi và thúc đẩy phát triển cùng mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ", anh Trần Đức Minh chia sẻ.
Bên cạnh những câu chuyện thú vị từ các diễn giả, khán giả tham gia Talkshow đã có cơ hội giao lưu, trao đổi trực tiếp với các khách mời về những suy nghĩ, ý tưởng trong khuôn khổ chủ đề.
Khám phá các hoạt động thú vị khác của Direction trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 tại đây!