Giữa thế kỉ 21 hiện đại, từ nhà ra phố, từ đời thực đến mạng ảo, không khó để ai đó cảm thấy mình như đang lạc vào thời kỳ xưa cũ. Đó là bởi, những phong trào mặc cổ phục Nhật Bình, tứ thân nở rộ, những video âm nhạc với giai điệu dân gian bắt tai, những bộ phim cổ trang đình đám,... Tất cả lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống Việt Nam, mang đậm bản sắc dân tộc. Dù ứng dụng chất liệu văn hóa dân gian trong sáng tạo nghệ thuật đang ở thời điểm huy hoàng và còn có thể phát triển hơn nữa, nó vẫn đặt ra nỗi trăn trở:

"Liệu đây chỉ là xu hướng nhất thời, hay theo vòng lặp có tính tất yếu?"

Nhìn sang các quốc gia có nền văn hóa tương đồng và có phần “đi trước” so với Việt Nam, chất liệu văn hóa dân gian cũng đang chuyển mình, trỗi dậy mạnh mẽ.

“PHÉP MÀU” NHẬT BẢN VÀ ỨNG DỤNG VĂN HÓA DÂN GIAN

Tại Nhật Bản, trong giai đoạn 1955 - 1973, đất nước phục hồi và phát triển sau Thế Chiến II, hình tượng các nhân vật samurai, thần linh, tinh thần võ sĩ đạo phổ biến khắp các sản phẩm văn hóa đại chúng. Anime và manga có những tác phẩm mà có lễ quen thuộc với không ít khán giả Việt như Atom - Cậu bé tay sắt (Astro Boy), Sư tử trắng Kimba (Kimba the White Lion),... Về điện ảnh, những bộ phim samurai như Bảy võ sĩ đạo (Seven Samurai) của Akira Kurosawa, các phim giả tưởng như Đồng hồ yêu quái (Yokai Watch) đã khai thác truyền thuyết dân gian về yêu quái Nhật Bản, tạo ra những hình ảnh hài hước và đáng yêu. Các chương trình truyền hình cũng tái hiện lại những câu chuyện lịch sử, các trò chơi và văn hóa dân gian. Giai đoạn này cũng là thời kỳ hoàng kim của nhạc Enka khi vừa mang âm hưởng truyền thống từ các nhạc cụ dân gian như Koto, Shamisen, Taiko vừa có giai điệu tương tự như nhạc Blues Mỹ hay Jazz. Có lẽ, áp lực tái thiết hậu chiến và văn hóa ngoại lai đã thúc đẩy sáng tạo từ văn hóa truyền thống và niềm yêu thích với các biểu tượng samurai - bền bỉ, vượt khó và trách nhiệm, thần linh - nơi tìm kiếm sự an ủi, thanh lọc tinh thần, tái lập mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và tín ngưỡng Thần đạo.

Dưới sự cổ vũ tinh thần từ samurai và thần linh, người Nhật tiến lên giai đoạn 1986 - 1990 - “Bong bóng kinh tế” tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo sự phát triển vượt bậc của văn hóa đại chúng và khai thác văn hóa dân gian. Bên cạnh những bộ manga về samurai và ninja, anime về yêu quái như Inuyasha, Yu Yu Hakusho đã kết hợp yếu tố thần thoại Nhật Bản với yếu tố hiện đại, tạo ra một câu chuyện hấp dẫn được đón nhận nồng nhiệt. Ở lĩnh vực thời trang, kimono được cách tân tạo ra những bộ trang phục độc đáo. Kiến trúc nhà cổ và nghệ thuật thư giãn truyền thống được sử dụng rộng rãi, trở thành một phần của nếp sống hiện đại. Rõ ràng, khi người dân được hưởng lợi từ sự thịnh vượng, trở nên dồi dào vật chất và có thời gian để quan tâm đến các giá trị tinh thần, họ lo ngại về mất mát bản sắc văn hóa và tìm cách duy trì sự kết nối với cội nguồn của mình. Trong bối cảnh đối mặt với sự thay đổi về lối sống và tư tưởng, người Nhật tìm thấy sự tĩnh lặng và cân bằng trong các hoạt động văn hóa có tính thiền định cao như thư pháp, cắm hoa, trà đạo.

Ảnh minh họa: Cậu bé tay sắt, Sư tử trắng Kimba, biểu diễn nhạc cụ truyền thống Shamisen.

Sau giai đoạn bong bóng kinh tế, Nhật Bản đã trải qua nhiều biến động, nhưng việc khai thác văn hóa dân gian trong nghệ thuật đại chúng vẫn tiếp tục phát triển và đạt được những thành công mới. Nghệ thuật múa kịch truyền thống Noh và Kabuki trình diễn trực tiếp và tái hiện qua các tác phẩm hiện đại, giúp khán giả đương thời tiếp cận với các câu chuyện cổ điển và giá trị văn hóa cổ truyền. Hoa văn họa tiết truyền thống như mặt nạ yêu quái (oni) xuất hiện trên quần áo, túi xách, phụ kiện và nghệ thuật xăm mình (irezumi). Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như búp bê Daruma, búp bê Kokeshi, được ưa chuộng trong đời sống hiện đại, không chỉ vì tính thẩm mỹ mà còn vì giá trị tâm linh và phong thủy. Sự xuất hiện của chất liệu kinh dị khai thác từ văn hóa dân gian - khác hẳn so với chất liệu an toàn, chính trực và hướng thiện đã quá phổ biến, phản ánh tâm lý xã hội bấy giờ: bất ổn, cô lập cá nhân, khủng hoảng danh tính cùng những thách thức về sự mất mát nhân văn và nguy cơ từ công nghệ hiện đại.

SỬ DỤNG CHẤT LIỆU VĂN HÓA - NIỀM TỰ HÀO CỦA TRUNG QUỐC

Gần hơn là Trung Quốc, sau thời kỳ bị hạn chế bởi Cách mạng Văn hóa (1966-1976), đất nước tỷ dân bước vào giai đoạn chuyển đổi thể chế kinh tế 1978-1991. Lúc này, mở cửa kinh tế và giao lưu văn hóa với thế giới đã ảnh hưởng tới tư duy nghệ thuật hiện đại. Các tác giả dám thể hiện quan điểm cá nhân và thử nghiệm các thể loại truyền thống với phong cách mới, như tranh thủy mặc theo phương pháp hội họa phương Tây. Văn học kết hợp với điện ảnh cho ra đời những tác phẩm sử dụng các nhân vật thần thoại, linh dị và câu chuyện dân gian để thể hiện thông điệp sâu sắc về tình yêu, lòng trung thành, khát vọng tự do và các quan điểm mới. Tiêu biểu là Thanh Xà, Bạch Xà, hồ ly chỉ tình yêu và hi sinh, Nữ Oa khám phá vai trò của phụ nữ trong xã hội, Đế Thích thể hiện sức mạnh và quyền lực, Tôn Ngộ Không dũng cảm chống lại bất công và khát vọng tự do.

Từ năm 1992 - 2012, nhắc đến Trung Quốc là nhắc đến phim cổ trang, võ hiệp và dòng nhạc “Trung Quốc phong”. Phim ảnh về những cao thủ võ lâm, sự tranh đấu giữa thiện và ác đã tạo nên hình tượng anh hùng hào kiệt, trọng nghĩa khí. Hay phim lịch sử về các triều đại phong kiến nhà Đường, nhà Tống, nhà Minh và nhà Thanh, tái hiện những sự kiện lịch sử trong bối cảnh hoàng cung nguy nga với những nhân vật lịch sử thông minh tài trí, cả những người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập.

C-pop giai đoạn này chứng kiến sự kết hợp giữa nhạc cụ dân gian và giai điệu truyền thống Trung Quốc với phong cách âm nhạc hiện đại phương Tây. Các nghệ sĩ như Châu Kiệt Luân, Vương Lực Hoành nổi tiếng với việc đưa đàn tỳ bà, đàn tranh, sáo trúc vào nhạc pop hiện đại, tạo ra phong cách nhạc "China-pop" độc đáo, pha trộn giữa hip-hop, R&B và âm nhạc dân gian. Tất cả gợi lên một Trung Quốc giàu có về văn hóa nghệ thuật, mang theo niềm tự hào dân tộc quảng bá ra toàn cầu, xứng tầm với vị trí nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Những năm gần đây, điện ảnh Trung Quốc không chỉ tập trung vào võ thuật mà còn khai thác sâu hơn các yếu tố văn hóa, linh dị, huyền huyễn. Hàng loạt bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo, phục trang, tạo ra những thước phim hoành tráng và chân thực, khơi gợi niềm thích thú say mê với thế giới cổ đại, thần thoại như Tam Sinh Tam Thế Thập Lý Đào Hoa, Trần Tình Lệnh, Diên Hy Công Lược,… Sự phát triển của các chương trình truyền hình thực tế về văn hoá: Trung Quốc có tài năng, Đi tìm hương vị Trung Hoa, Hoa Tỷ Đệ, Nhà hàng Trung Hoa… giúp khán giả khám phá những nét đẹp văn hóa truyền thống. Điện ảnh kéo theo sự nở rộ của trào lưu mặc cổ phục, hình thành cả một ngành công nghiệp thực thụ: ngành công nghiệp thời trang truyền thống. Bên cạnh đó, các yếu tố văn hóa dân gian, truyền thống đi từ thần thoại, sử sách không chỉ xuất hiện ở văn học và phim ảnh mà còn được chuyển thể thành game (Đám cưới giấy, Black Myth Wukong), phim hoạt hình (Na Tra, Ngao Bính, Thanh xà bạch xà,...), lễ hội, các ấn phẩm, đồ trang trí,... Lý do là bởi, khái niệm “Giấc mộng Trung Hoa” và chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy thúc đẩy sử dụng nghệ thuật như một phần của lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Công nghệ số cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa ra thế giới, nhưng hạn chế văn hóa phương Tây và các giá trị ngoại nhập vào Trung Quốc.

Ảnh minh họa: phim Trần Tình Lệnh, game Áo Cưới Giấy, phim Na Tra: Ma Đồng Giáng Thế.

Có thể thấy, văn hóa gắn bó chặt chẽ với tiến trình lịch sử, sự biến động của kinh tế - xã hội mỗi quốc gia.

Giống như kinh tế hay lịch sử, văn hóa cũng có chu kỳ gồm các giai đoạn: hình thành, phát triển, đỉnh cao, suy thoái và tái sinh.

Trong giai đoạn thịnh thế, văn hóa đạt đỉnh, đa dạng và phong phú. Nhưng cũng có lúc khủng hoảng, con người không còn trí lực để chú trọng đến văn hóa. Dù vậy, văn hóa dân gian vẫn âm ỉ, trú ngụ dưới những hình thức khác nhau, khích lệ xã hội vượt qua khó khăn, thử thách và chờ đợi tái sinh, biến chuyển cho phù hợp với tinh thần mới, thời đại mới.

HÀNH TRÌNH GIỮ LỬA VĂN HÓA DÂN GIAN VIỆT NAM

Bắt đầu từ cải cách kinh tế 1986, nước ta bước vào giai đoạn mở cửa đổi mới, chất liệu dân gian được ứng dụng trong đa lĩnh vực với cách làm theo kiểu “hội nhập”. Về văn học, nhiều tác giả đã tìm về nguồn cội, khai thác các chất liệu văn hóa dân gian như truyện cổ tích, truyền thuyết, ca dao, dân ca... để xây dựng nên những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Tiêu biểu là Đêm Hội Long Trì - tiểu thuyết dã sử đồng thời được chuyển thể thành phim điện ảnh. Về hội họa, “tứ bất tử” - 4 danh họa Việt Nam gồm Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm và Bùi Xuân Phái có nhiều đóng góp quan trọng, lưu giữ và sáng tạo giá trị dân gian trong các sáng tác. Nổi bật là tranh Nguyễn Tư Nghiêm - chủ đề hay gặp trong tranh ông là những điệu múa cổ, Thánh Gióng, Kiều, và 12 con giáp. Màu ông yêu thích là màu của tranh dân gian Việt Nam.

Ở khía cạnh âm nhạc, tinh thần đổi mới của xã hội mang đến làn gió mới trong văn học nghệ thuật đã tác động đến gu thưởng thức đại chúng. Thập niên 90 và đầu những năm 2000 chứng kiến sự phát triển rực rỡ của rock và world music. Tư tưởng “nhìn thẳng vào sự thật” sau Đổi Mới cùng sự cởi mở của chính sách văn hoá và tác động mạnh từ các dòng chảy nhạc rock thế giới đã tạo ra các bản phối độc đáo: Ngẫu hứng Lý ngựa ô - Trần Tiến & 3 con mèo, Bạch Đằng Giang - Vòng tay bè bạn - Da Vàng band, Người đàn bà hoá đá - Dấu vết nghiệt ngã - Chuyện tình của Thuỷ thần - Bức Tường…  Nhiều sáng tác Tales from Vietnam - Nguyên Lê & Hương Thanh, Đường xa vạn dặm - Quốc Trung, Khu vườn yên tĩnh - Quốc Trung & Dương Thụ & Hồng Nhung,... đã kết hợp được âm hưởng của nhạc dân ca, thanh âm nhạc cụ dân tộc với nhạc cụ điện tử phương Tây phá tan định kiến “lai căng”, “phá” âm nhạc truyền thống để góp phần đưa nhạc dân gian Việt Nam đến với giới trẻ và khán giả nước ngoài.

Ảnh minh họa: Tranh Phố Hàng Mắm, phim Thiên Mệnh Anh Hùng, ban nhạc Bức Tường.

Sang đến giai đoạn hội nhập kinh tế 2007 - 2016, xu hướng khai thác chất liệu văn hóa dân gian trong sáng tác nghệ thuật nổi lên mạnh mẽ để chào mừng sự kiện lớn kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Các dự án phim cổ trang mở rộng đề tài không chỉ nói về lịch sử mà còn là tình yêu, khai thác góc nhìn mới có thể kể đến Thiên mệnh anh hùng, Tấm Cám chuyện chưa kể, Thái sư Trần Thủ Độ, Khát vọng Thăng Long, Mỹ nhân kế. Đi cùng là phong trào tìm hiểu và phục dựng cổ phục Việt manh nha xuất hiện từ trước 2010, cất lên tiếng nói mạnh mẽ trong giai đoạn kỷ niệm 1000 năm thăng long hà nội và chính thức thành hình với hội nhóm tiên phong là Đại Việt Cổ Phong (2014).

Từ đó đến nay, Việt Nam đã xây dựng được nền tảng phát triển kinh tế, ngày càng có điều kiện sáng tạo trong sử dụng chất liệu văn hóa dân gian. Các bộ phim sản xuất ở hiện tại thể hiện sự chỉn chu trong hình ảnh cổ trang (bối cảnh cung đình, phong cảnh đặc trưng của vùng miền, tạo hình trang phục bám sát lịch sử) và các nét văn hóa, phong tục tập quán (lễ nghi, ẩm thực, tín ngưỡng và cả hủ tục): Đại Hành Hoàng Đế Lê Hoàn, Phượng khấu, Tết ở làng địa ngục. Trong âm nhạc, các nghệ sĩ trẻ đóng góp tích cực cho việc khai thác chất liệu dân gian, truyền thống: ca dao tục ngữ và hình tượng văn học, thơ ca vào MV (Lạc Trôi - trang phục và bối cảnh, Bánh trôi nước, Để Mị nói cho mà nghe, Gieo quẻ, Kẻ cắp gặp bà già - ứng dụng thơ ca, văn học vào sáng tác ca từ, giai điệu),... Phần âm thanh được hòa âm khéo léo giữa những nhạc cụ truyền thống như đàn nguyệt kết hợp với tiết tấu R&B trên nền nhạc điện tử. Âm hưởng dân gian được xử lý, “biến hóa” để phù hợp hơn với những đặc trưng của dòng nhạc hiện đại, hướng tới sự phù hợp với xu hướng nhạc trẻ khu vực và thế giới.

Ảnh minh họa: MV Lạc Trôi, MV Kẻ Cắp Gặp Bà Già, MV Gieo Quẻ.

Chất liệu kinh dị từ dân gian đã được biết đến và sử dụng nhiều hơn. Ngoài phim ảnh, truyền thuyết đô thị u ám, kiến trúc cổ “bị ám”, phong cảnh đặc trưng và tập tục dân dã được phục dựng trong những tựa game kinh dị như Đồng cỏ lau, Cỏ máu, Thần trùng,... hứa hẹn mang trải nghiệm văn hóa tới công chúng theo những khía cạnh chưa từng có. Nỗi sợ hãi văn hóa được đưa vào game giúp người chơi cảm thấy gần gũi và đồng cảm.

Rõ ràng, giống như Trung hay Nhật, khi Việt Nam đã có nền tảng kinh tế - chính trị ổn định, chúng ta bắt đầu chú trọng tới các giá trị tinh thần và có những động thái bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian. Nếu các nghệ sĩ thế hệ ông cha là người sáng tạo, bồi đắp và giữ lửa cho văn hóa dân gian Việt Nam thì thế hệ trẻ hiện nay đang tạo nên xu hướng và lan tỏa hơi ấm ngọn lửa đó bằng nhiều cách khác nhau từ vật chất đến tinh thần.

Khai thác chất liệu dân gian là xu hướng, nhưng sử dụng chất liệu dân gian trong sáng tạo không thể “hết trend", không thể ngừng hot, không thể không có ai quan tâm nữa.

Giống như vòng quay của lịch sử, việc tìm hiểu về văn hoá truyền thống của dân tộc là vòng lặp bất tận, sẽ được mọi cá nhân, mọi cộng đồng thực hiện trong quá trình tìm về cội nguồn.