Văn hoá giống như những vỉa tầng trầm tích mang theo hơi thở của thời gian và không gian, mang bản sắc riêng biệt và phản ảnh giá trị thời đại sâu sắc. Qua thời gian, các tầng ấy tích lũy thêm màu sắc từ sự giao lưu, tiếp biến với bối cảnh thời đại cũng như các nền văn minh khác, hình thành nên sự đa dạng muôn màu. Chính vì thế, dòng chảy văn hóa luôn mang sức hút mãnh liệt, không chỉ bởi tính nguyên bản độc đáo mà còn bởi khả năng biến đổi linh hoạt, mở ra vô vàn cơ hội sáng tạo không giới hạn. 

Tuy nhiên, việc sáng tạo dựa trên những giá trị xưa cũ lại không chỉ dừng ở câu chuyện đổi mới mà còn đặt ra những câu hỏi sâu sắc về sự cân bằng giữa tôn trọng di sản và biến đổi để phù hợp với thị hiếu đương thời. Với buổi Talkshow “Gen Z Kể Chuyện Văn Hóa Dân Gian” diễn ra vào chiều ngày 16/11/2024, chúng tôi đã có cơ hội thảo luận sâu sắc hơn về vấn đề bảo tồn văn hóa qua lăng kính sáng tạo.

Những suy nghĩ tại buổi toạ đàm cũng là lời kêu gọi hành động để chúng ta, đặc biệt là những người làm sáng tạo, hiểu sâu hơn về trách nhiệm của mình đối với văn hóa:

Căn tính, tính nguyên bản và sự tiếp biến của văn hoá

Căn tính văn hóa là gốc rễ của sự sáng tạo, là yếu tố định hình bản sắc và sự khác biệt. Tuy nhiên, chính vì sự gắn bó sâu sắc với di sản văn hóa, những người thực hành sáng tạo luôn đối diện với nỗi lo sợ: làm sao để không đi quá xa, không phá vỡ những giá trị cốt lõi, đồng thời vẫn có thể đổi mới và mang lại sự sáng tạo độc đáo. Trong buổi Talkshow, các diễn giả đã thể hiện một quan điểm thống nhất: để sáng tạo nội dung dựa trên văn hóa dân gian, việc quan trọng nhất là phải xác định rõ điểm cốt lõi của yếu tố văn hóa đang được khai thác. Tính nguyên bản không có nghĩa là sự bảo tồn cứng nhắc, mà là khả năng tiếp biến, biến hóa văn hóa để phù hợp với bối cảnh mới. Đây chính là thử thách và cũng là cơ hội để những người làm sáng tạo khai thác văn hóa một cách tinh tế và bền vững.

Khi văn hóa vừa là công cụ vừa là đích đến

Văn hóa có thể được sử dụng như một công cụ để thể hiện sự sáng tạo trong các sản phẩm, nhưng chính nó cũng có thể là đích đến mà mỗi sản phẩm cần đạt được, một điểm kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những giá trị truyền thống và sự đổi mới sáng tạo. Trong quá trình sáng tạo, văn hóa đóng vai trò như một nguồn cảm hứng vô tận nhưng đồng thời đó còn là sự tôn vinh, gìn giữ và phát huy những giá trị lâu dài, làm cho mỗi sản phẩm trở thành một phần không thể thiếu trong câu chuyện lớn của xã hội và lịch sử.

Chủ động tìm đến văn hóa và dám thử nhiều hơn

Các diễn giả cũng đúc kết ra rằng, một trong những cách để văn hóa được bảo tồn và phát huy là dám thử nghiệm. Sáng tạo với văn hóa không chỉ là tái hiện những giá trị xưa cũ, mà còn là cách chúng ta thử thách giới hạn và mở ra những lối đi mới. Chỉ khi dám thử, chúng ta mới có thể giữ cho văn hóa luôn được nối dài và chính chúng ta cũng trở thành một phần của văn hoá. Để sáng tạo thực sự có chiều sâu, chúng ta cần chủ động tiếp cận và tìm hiểu văn hóa.

Những câu hỏi thể hiện trăn trở về sáng tạo văn hoá từ nhiều bạn trẻ đặc ra cũng đã khơi mở một tương lai đầy hứa hẹn cho hoạt động thực hành sáng tạo tại Việt Nam. Những thắc mắc này không chỉ phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ của thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị dân gian, mà còn khuyến khích những phương thức sáng tạo mới mẻ, giúp làm phong phú thêm bức tranh văn hoá thời đại. 

Để tóm gọn lại những nội dung của buổi tọa đàm, chúng tôi xin mượn lời của diễn giả Anh Tú để chia sẻ một cái nhìn sâu sắc về văn hóa: Văn hóa giống như một cây táo với bộ rễ khổng lồ, cắm sâu trong lòng đất. Những công việc sáng tạo của chúng ta chính là những ngày dạo chơi dưới tán cây, thụ hưởng những quả ngọt từ đó. Và cũng có những ngày, chúng ta cần vun đắp “cây táo” ngày càng phát triển bằng việc quay về chăm sóc bộ rễ. Như vậy, bảo tồn văn hóa chính là hành trình nuôi dưỡng, phát triển và làm phong phú thêm những gốc rễ ấy, để chúng tiếp tục đơm hoa kết trái cho tương lai.